Nhận được không ít thắc mắc, e ngại về chuyện dùng đèn chớp sáng (flash) không tốt cho mắt các em bé; Bé Thiên Thần xin được làm rõ băn khoăn này của các bậc phụ huynh và khẳng định rằng sử dụng đèn flash là an toàn đối với các em bé, ngay cả những bé chỉ 1 tuần tuổi.
1. Cường độ ánh sáng
Cường độ ánh sáng mặt trời trực tiếp là 100.000 – 130.000 lux. Mức độ này quá sức chịu đựng của mắt người (Ví dụ: Quan sát nhật thực phải dùng kính bảo vệ). Nhưng với cường độ ánh sáng ban ngày (là ánh sáng mặt trời trực tiếp đã được những đám mây cản lại và làm dịu) là 10.000 đến 20.000 lux thì thị lực của con người hoạt động hoàn toàn thoải mái. Máy ảnh cũng có đủ ánh sáng cần thiết mà không cần thêm nguồn sáng hỗ trợ nào. Tuy nhiên, không phải bao giờ chúng ta cũng ở trong điều kiện hoàn hảo đó như ngày có mây, trời có trăng hoặc không, lúc mờ sáng, khi sẩm tối hoặc ở trong nhà. Lúc ấy, đèn chớp sáng (flash) được sử dụng để tăng cường độ ánh sáng tương đương với ánh sáng ban ngày nhằm tạo nên những bức ảnh có ánh sáng chan hòa như ở ngoài trời. Đèn chớp sáng (flash) thường tạo cảm giác sáng hơn đơn giản vì không có nguồn sáng nào khác sáng hơn thế tại cùng địa điểm. Vậy về bản chất, mức ánh sáng mà đèn chớp sáng (flash) tạo ra chỉ tương đương với mức ánh sáng ban ngày.
2. Thời lượng chiếu sáng
Các nguồn sáng như mặt trời, bóng đèn điện vàng (không tính đèn tuýp, huỳnh quang) là những nguồn phát sáng liên tiếp với cường độ ánh sáng không đổi. Ánh sáng đèn chớp sáng (flash) là nguồn sáng không liên tiếp, thời gian ánh sáng lóe lên cực ngắn, chưa được 1/100s nên độ phơi sáng của mắt đối với ánh sáng từ đèn chớp sáng (flash) không đủ sức gây ảnh hưởng cho mắt.
3. Cơ chế tự bảo vệ của mắt
Ánh sáng giúp mắt định vị vật thể. Nếu cường độ ánh sáng mạnh thì mống mắt sẽ điều tiết để đồng tử thu nhỏ, tiếp nhận đủ lượng ánh sáng cần thiết. Nếu cường độ sáng yếu thì đồng tử sẽ mở lớn để tiếp nhận nhiều ánh sáng hơn. Ánh sáng ban ngày có cường độ ánh sáng phù hợp với độ mở bình thường của đồng tử.
Bên cạnh chức năng điều chỉnh của mống mắt thì mí mắt cũng hỗ trợ điều chỉnh lượng ánh sáng mắt tiếp nhận. Khi cường độ sáng lớn, chúng ta nheo mắt lại, mi mắt khép hờ để cản trở bớt luồng sáng mạnh hoặc nhắm mắt lại. Khi chúng ta nhìn trong chỗ tối, chúng ta thường mở to mắt để nhìn rõ hơn.
Tóm lại, mắt có phản xạ điều chỉnh với cường độ ánh sáng tương ứng. Ánh sáng của đèn chớp sáng (flash) cung cấp cường độ ánh sáng với mức ánh sáng ban ngày, nằm trong khoảng điều chỉnh của mắt nên việc sử dụng đèn chớp sáng (flash) không gây ảnh hưởng đến mắt.
4. Sử dụng đèn chớp sáng (flash)
Đèn chớp sáng (flash) có ưu điểm so với ánh sáng ban ngày là có tấm chắn tia UV để bảo vệ chủ thể. Các loại đèn hiện đại có thể xoay nhiều hướng khác nhau, không nhắm thẳng vào chủ thể được chụp. Bên cạnh đó, đèn flash thường được dùng kèm với các tấm tản sáng, ô hắt sáng để làm ánh sáng mềm mại và tự nhiên hơn nên càng an toàn cho đối tượng được chụp.
5. Mắt các em bé thì sao?
Thị lực của các em bé cần từ 6 – 8 tháng để phát triển hoàn chỉnh. Lý do là mặc dù mắt của em bé đủ khả năng nhìn khi mới sinh ra nhưng não các bé lại chưa đủ khả năng xử lý những hình ảnh mà bé tiếp nhận. Trong thời gian 3 tháng đầu tiên, bé sơ sinh ngủ rất nhiều, lên đến 16 tiếng/ngày. Chụp hình các bé trong thời gian này thường chụp các bé khi đang ngủ nên một cách tự nhiên, mí mắt của bé đã bảo vệ bé khi chụp ảnh rồi. Từ tháng thứ 4 trở đi, các cơ bắp và xương của bé bắt đầu cứng cáp và mạnh mẽ hơn nên bé có thể tự lẫy, lật được. Các bó cơ ở mắt của bé cho phép bé có phản xạ chớp mắt như người lớn. Bé thoải mái ứng phó được với ánh đèn chớp (flash) khi chụp hình.